Tôi là người Phật tử, nhưng dù là Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo, Tin Lành vv… thì cảm giác cuối năm, giáng sinh về cũng thật giống nhau. Giáng sinh lại về, khắp các nhà thờ, vài khu phố, nhạc giáng sinh đã vang lên vui tai, vui tâm hồn nơi những con phố nhộn nhịp “Mừng ngày Chúa sinh ra đời…” và nơi các cửa hàng bán hàng giáng sinh, đã bày bán những mặt hàng cho lễ Noel tràn cả ra bên lề đường, không khí Noel đã về, lại một mùa Noel nữa đang đến trong mọi tâm hồn của tất cả mọi người nơi xứ lạnh tình nồng.
Giáng sinh lại về, con người dường như gần nhau hơn nữa, tất cả mọi người đều mang một nét hân hoan vui cười trên khuôn mặt của họ. Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách đều dẫn đến nhà thờ, nơi đây, người ta nhìn ngắm giáng sinh mang niềm vui hạnh phúc cho muôn nhà.
Đã là Xmas thứ hai trên đất Canada của người viết. Kể ra cũng nhanh thật, thoáng qua đó mà đã gần 1 năm rưỡi sống tại xứ sở tự do. Tuy nhiên, những cảm giác về những buổi chiều lúc còn ở Việt Nam đi tìm những chuyện xưa, người cũ của một thời chinh chiến vẫn hiện về. Lẽ ra thì chiều cuối năm người ta không nên nói về những chuyện buồn. Tuy vậy câu chuyện về buổi chiều ở Charlie cũng không hẳn là buồn. Nó là một chút gì quá khứ vọng về. Nó là một chút gì dư âm để mà nhớ trong những ngày cuối năm lạnh giá. Và người viết xin kể ra đây là bạn đọc nhìn lại cuộc sống, nhìn lại cuộc đời, nhìn lại một chút lịch sử như là một sự hồi tưởng chiều cuối năm. Dù quá khứ đã đi qua những vẫn còn đó những con người đáng được nhớ và không thể nào bỏ quên dù người đó đã ở lại nơi nào đó ở một cánh rừng xa, một con sông nhỏ hay mãi mãi chẳng ai biết tên. Câu chuyện bắt đầu từ đây…Câu chuyện bắt đầu từ khúc nhạc này:
“Anh!… Anh!… Hỡi anh ở lại Charlie
Anh!… Anh!… Hỡi anh giã từ vũ khí…”
Tôi bước xuống chiếc xe khách loại có giường nằm của một nhà xe tư nhân đi từ Sài Gòn lên Kon Tum. Mệt rã rời và khát khô cả cổ họng. Mặc dù xe có máy lạnh, nước uống và khăn lạnh lau mặt nhưng cái nóng giữa hè của núi rừng Tây Nguyên làm cho tôi chuếnh choáng khi xuống khỏi cửa xe. Nhoẻn miệng cười cảm ơn anh tài xế và anh phụ xe khá hiền lành, tôi xách chiếc ba lô có 2 bộ quần áo, chiếc máy ảnh du lịch và chiếc Laptop cũ ra đi về phía cổng bến xe.
Lúc này là 5 giờ chiều, chiều của Tây Nguyên hùng vĩ. Lúc này đây, cái nóng vẫn còn khá gắt trên nền trời ráng đỏ không một gợn mây. Trời trong quá, cao quá. Toàn bộ con đường từ bến xe đi vào thành phố đã được tráng nhựa. Nhưng hai bên đường, vẫn dễ dàng nhận thấy bụi đỏ tung lên từ những bước chân vội vã của lũ trẻ đi học về nhà muộn.
Kon Tum thật nhỏ bé và buồn. Tôi đến đây là lần đầu tiên nên đã nhờ anh tài xế Taxi giúp cho 2 việc đó là tìm một khách sạn vừa túi tiền, sạch sẽ và chở ngay đi xem Kon Tum thế nào:
- Ông anh muốn ở khách sạn rẻ tiền hay VIP?
- Trung bình, khoảng 300 nghìn đồng một đêm, sạch sẽ, an ninh là được anh bạn. Tôi đáp.
Anh Taxi rất vui vẻ:
- OK anh, có khách sạn Phố Núi. Giá 250 nghìn/đêm mà cũng Ok lắm.
Tôi rút cho anh một tờ bạc 50 nghìn có in hình tên bán nước Hồ Chí Minh và nói:
- Cảm ơn ông bạn! Cầm tạm Café. Giờ còn sớm cho tôi đi khắp thành phố đi !
- Ông anh chịu chơi đó. Em đi luôn nghe...
Thế là anh Taxi tăng tốc. Bên đường từng bụi cây vụt qua như những hàng quân dàn chào chủ tướng. Cảm giác mệt mỏi sau một ngày đường vất vả từ sáng sớm đã không còn trong tôi nữa. Càng gần vào đến thành phố thì nhà cửa càng gần san sát nhau hơn. Tuy đã khoác lên mình một chiếc áo mới của thời mở cửa đã lâu nhưng thành phố vẫn có một cảm giác đìu hiu. Đi vòng vòng khoảng chừng 40 phút thì anh Taxi dừng lại trước một khách sạn có 4 tầng. Tôi đang chìm trong dòng suy tư vì ngắm nhìn thành phố nhỏ thì bỗng bị cắt đứt. Tôi vẫn có thói quen ngắm nhìn cảnh vật trong yên lặng để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của nó. Tôi nhẹ nhàng quay sang hỏi anh Taxi:
- Sao mới có chưa đầy 200 nghìn đồng mà đã dừng lại vậy? Hết chỗ đi rồi sao anh bạn?
- Còn chứ anh, nhưng nếu ông anh thích đi thì sau khi ăn tối em dẫn đi. Còn thành phố này thì hết chỗ vòng vòng rồi anh ạ!
Tôi đưa tờ 200 nghìn cho anh Taxi và chợt nhớ ra hỏi!
- Chú tên gì? Anh tên Hải.
- Em tên Trọng, anh là dân Bắc đúng không?
- Bắc nhưng giờ đang ở Sài Gòn được gần một năm rồi. Anh 32 tuổi, còn em? Tôi hỏi
Anh Taxi đáp:
- Em 30, tối nay 8h em đón anh ở đây nhé?
Nở một nụ cười, tôi gật đầu đáp lại lời mời của ông em mới quen. Dù sao thì cũng thử một lần cho biết cái hương vị đêm của thành phố Tây Nguyên. Dù thành phố nhỏ xíu trong lòng bàn tay nhưng cái gì cũng nên biết. Nghĩ vậy nên tôi không thèm hỏi cụ thể anh bạn Trọng là đi đâu và làm gì. Tôi vui vẻ nhận lời ngay.
Sau hai tiếng tắm rửa và ăn tối trong một quán cơm gà bên cạnh khách sạn Phố Núi thì tôi đã lấy lại đủ cả tinh thần và năng lượng cho chuyến ngao du đêm nay giữa thành phố núi sương giăng mù vào chập tối. Đúng hẹn, anh bạn Trọng đã tới của khách sạn và vui vẻ đón tôi đi. Luồn lách qua mấy dãy phố đã đóng cửa và tắt đèn gần hết, xe Taxi dừng lại ở một quán có ánh đèn lấp lánh, khác hẳn với khu phố đìu hiu bên cạnh nó. Tôi ngước mắt nhìn lên thấy hai chữ: “Chiều Tím”. Tôi hỏi Trọng:
- Quán bar hả ông em?
- Bar phố núi đó anh. Anh vào thư giãn đi, em làm vài cuốc xe kiếm tiền nuôi vợ con. Trọng nói và mỉm cười với tôi.
Tôi xin số điện thoại của Trọng và hẹn cậu ta khi nào muốn đi đâu thì sẽ gọi. Bước từng bước lặng lẽ, tôi đi vào một thế giới khác với cuộc sống khó khăn ở bên ngoài thành phố buồn này.
Xung quanh tôi, rất nhiều đôi nam nữ trong những trang phục rất thời thượng đang dập dìu bước vào quán. Riêng tôi đi lẻ loi. Bước qua hai lần cửa kính có mấy anh Security nai nịt đầy đủ phụ tùng là đến không gian chát chúa tiếng nhạc và nồng nặc thuốc lá, nước hoa của một vũ trường mini. Đó đây từng cô gái chỉ mặc bikini đang lắc lư quay cuồng theo nhịp điệu của tay chơi Dj có đôi khuyên tai to tổ chảng. Tiến lại gần quầy bar, tôi gọi 1 chai Heineken và một gói 555. Tôi đảo mặt nhìn quanh căn phòng rộng chừng 150m² và có hai dãy bàn cao, một sân khấu cho 3 cô gái đang phiêu diêu cùng những động tác gợi dục.
Tôi là dân biết vào chỗ chơi, đã từng vào quán bar như cơm bữa. Lên đây là biết phố núi và tiện thể ghé qua cho biết món “ăn chơi” nơi phố buồn. Thấy chẳng có gì khác mấy quán bar bình dân ở Hà Nội hay Sài Gòn, tôi bước ra đi khi vừa tu một hơi hết nửa chai Ken và ngậm trên môi điếu thuốc 555. Tôi thấy đầu mình tự nhiên đau và muốn đi ra ngoài.
Bước ra khỏi không gian ngột ngạt và nhớp nhơ mà hơn 3 năm qua tôi cố tình xa lánh, tôi móc phone gọi cho Trọng:
- Em cứ đi khách, Anh phải ngủ sớm nhé. Anh đi bộ về khách sạn cho biết đêm Tây Nguyên.
Trọng nói gấp qua phone:
- Sao anh vào bar ra nhanh thế? Có chuyện gì à?
- Không! Anh đau đầu, anh đi bộ về cho thư giãn. Sáng mai 9h anh call lại em. OK…
Thế là tôi đi bộ về khách sạn nơi mình đang tạm trú. Mặc dù không biết đường nhưng nhớ tên khách sạn nên đã hỏi anh giữ xe ngoài quán bar. Anh ta vui vẻ chỉ đường. Và thế là tôi bước đi. Trời về đêm Tây Nguyên đã dịu mát hơn, gió nhè nhẹ như mơn man thổi vào mái tóc đã hơn một tháng chưa cắt của tôi. Phố về đêm thật vắng lặng. Tôi gần như là người duy nhất đi bộ trên đường lúc này, mặc dù mới có 9h30 tối. Ngước mắt nhìn lên, tôi nhìn thấy trăng. Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy trăng. Ở thành phố chỉ toàn thấy trăng giống như bóng điện. Ở đây, trăng sáng, tròn và bàng bạc giống như trong những câu chuyện cổ tích mẹ kể hồi còn nhỏ. Trăng đêm nay đẹp lắm, trăng núi rừng Tây Nguyên đẹp lắm…Cũng có lẽ bởi đã 3 năm rồi tôi mới thật sự được ngắm chị Hằng.
Rít hết 3 điếu thuốc lá tôi về tới khách sạn. Vừa về đến cửa là gặp 2, 3 chiếc xe tay ga đủ loại DyLan, SH... còn mới cáu cạnh đỗ xịch ngay cửa khách sạn. Từng đôi, từng đôi trai gái cười nói huyên thuyên bước vào nơi quen thuộc của họ. Tôi nghĩ vậy vì thấy họ khá tự nhiên và lên phòng mà không cần trình chứng minh thư nhân dân của nước cộng hòa không tự do, không độc lập.
Nhìn tôi bằng con mắt ngơ ngác như người hành tinh khác mới đáp xuống trái đất, cô tiếp tân hỏi:
- Anh đến thuê phòng à? Cho em mượn chứng minh.
- Không, anh có phòng rồi, phòng 203. Lúc chiều cô bạn em đã cầm chứng minh của anh rồi. Tôi đáp.
Cô tiếp tân chừng 20 tuổi mỉm cười cầu hòa:
- Em xin lỗi anh, em không biết. Ca em là ca 8h30 tối. Anh ở một mình à?
Tôi đang vui sau khi đi bộ một quãng dài thấy đầu óc mình thư thái liền trêu lại:
- Anh có một mình thôi. Hay em bỏ lại lên phòng anh nói chuyện một lúc chơi?
- Không dám đâu anh. Em còn bận trông khách sạn. Cô gái tiếp tân vui vẻ trả lời.
Tôi nháy mắt hỏi cô em:
- Khách vào đông quá, mấy người vừa rồi là ai mà không cần giấy tờ gì hết vậy?
- Không sợ ai đâu anh! Họ toàn là khách quen cả, con quan to ở tỉnh này đó anh. Ai dám hỏi. Chơi bar xong là vô đây.
Tôi đã hiểu vấn đề của họ và biết họ là ai. Toàn là con cái «đầy tớ» nhân dân cả. Không thắc mắc thêm, tôi tạm biệt em gái lễ tân và lấy chìa khóa về phòng. Tôi cố ngủ để ngày mai có thể đi tới Charlie, điểm chính của chuyến đi Kon Tum lần này. Nhưng với thói quen lạ giường rất khó ngủ của mình, cộng với những suy nghĩ viễn vông về số phận dân tộc Việt Nam đã khiến tôi miên man, chập chờn trong dòng suy nghĩ. Đó là trong khi cả nước còn lắm những dân oan, trẻ em nghèo, người già cô đơn lang thang hè phố. Thì ngay tại cái chốn rừng núi âm u, lạnh lẽo các con cháu của « đầy tớ nhân dân» cũng có thể ăn chơi, phè phỡn. Thật là nghịch lý, nhưng lại là hợp lý. Cái hợp lý nó tồn tại ngay trong lòng nghịch lý. Đơn giản vì đây là đất nước của cộng sản, của đồng tiền in hình kẻ dâng đảo Hoàng Sa – Trường sa cho Trung Cộng…
Chỉ ngủ được vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ khi đã thức trọn đêm trong suy tư và xơi trọn cả gói thuốc 555. Tôi thức dậy lúc 8h sáng như đã hẹn giờ báo thức trong điện thoại cầm tay. Tắm rửa, soạn lại ba lô và ăn sáng, trả phòng xong thì đúng 9h kém 5 phút. Tôi gọi cho Trọng bảo đến khách sạn chở tôi đi Đắc Tô ngay. Trọng đến sau 10 phút và chúng tôi bắt đầu lên đường.
Con đường từ thành phố nhỏ Kon Tum đến Đắc Tô thật gồ ghề, nhiều ổ voi, ổ gà. Chiếc xe Toyota Vios đã cũ của Trọng vì phải chạy nhiều năm thiếu sự chăm sóc kỹ lưỡng cứ thi thoảng gầm lên và rung sóc. Hai bên đường không có một bóng cây xanh, chỉ toàn là đồng lúa và đất đỏ được điểm tô bằng những trảng cỏ xanh. Mặt trời mùa hè vùng Tây Nguyên đã lên cao và hơi nóng đã khiến cho vạn vật như trong một chiếc lò nung khổng lồ. May mắn là chiếc xe của Trọng tuy cũ mà điều hòa không khí còn khá tốt nên tôi không bị cái nắng thiêu đốt của mùa hè Tây Nguyên làm cho mệt mỏi. Trên đường đi, từng cánh núi xa xa của dãy Trường Sơn hùng vĩ như đập vào cửa kính xe vùn vụt. Từng cánh cung của vùng núi đồi Kon Tum lúc này tựa như cực nam châm đang hút đôi mắt của tôi không thể rời cửa kính xe. Quê hương Việt Nam ta đẹp thật. Tây Nguyên hùng vĩ quá!
Với thói quen yên lặng ngắm nhìn trời đất, tôi chỉ nói với Trọng vài điều trên đường đi cho qua chuyện. Nhưng khi gần đến thị trấn Đắc Tô thì câu chuyện lại khác hẳn khi Trọng biết ý định của tôi lên đỉnh Charlie tìm thăm lại chiến trường xưa. Trọng hỏi tôi:
- Anh có cha hay chú, là lính Cộng Hòa ngày trước à?
- Không, anh không. Nhưng anh ngưỡng mộ họ. Mà sao anh thấy em khác nhiều người lái xe Taxi mà anh gặp lắm.
Trọng ngạc nhiên hỏi lại:
- Sao lại thế hả anh?
Tôi đáp:
- Vì em không gọi những người lính Việt Nam Cộng Hòa là «lính Ngụy ». Tuổi trẻ như em mà có cái nhìn khác quá.
Trọng bật cười và đáp lại tôi:
- Có gì đâu anh, vì ba em là cựu quân nhân VNCH mà. Với lại tuy em chỉ học hết lớp 8, nhưng qua ba em và nhiều người thì em biết lính VNCH không phải là Ngụy đâu anh.
Qua câu chuyện sau đó, tôi được biết bố của Trọng là một người lính thuộc Liên đoàn 20 Công binh chiến đấu. Năm 1975, khi chạy về đến gần Phú Túc thì đoàn người bị nghẽn tắt bởi pháo binh cộng sản, Công binh bắc cầu phà hy sinh rất nhiều. Cuộc rút chạy trên đại lộ máu 7B đã khiến cho hàng nghìn người dân vô tội và quân nhân, dân chính bị chết và gia đình tứ tán. Đưa vợ và 3 con nhỏ trở lại Kon Tum, Cha của Trọng chấp nhận ở lại dù biết rằng phía trước là cả một khối thương đau đang chờ ông và gia đình.
Sau khi mãn án tù cải tạo 3 năm ở trại tù cộng sản về thì được vài năm, Trọng ra đời trong tiếng mừng hân hoan của Ba. Năm đó trọng sinh ra cũng là năm cả nhà lâm vào nạn đói, ông bố và anh trai Trọng phải đi bộ vào rừng sâu cách Kon Tum hơn 10 cây số để đào sắn, đào mãi mới nuôi được cả gia đình. Đó là tình trạng chung của cả đất nước Việt Nam trong thời bao cấp. Mà đặc biệt là của những gia đình có cái gốc là lính «Ngụy» thì càng khó khăn gấp bội. Đảng và nhà nước cộng sản có chính sách « cải tạo » triệt để khiến cho cả nước, nhất là Miền Nam trở nên tiêu điều. Cha của Trọng chạy đi khắp nơi để xin việc nhưng đều bị từ chối. Ở cái chế độ «hồng» là số một này thì ai có lý lịch «Ngụy» đành phải chịu thân phận không có tất cả: Không việc làm, không hộ khẩu, không tiền vv và vv… Chẳng thế mà Trọng nói:
- Ông bí thư chi bộ nơi nhà em ở đã chỉ thẳng vào mặt ba em khi ông mở xe nước mía bán trước cửa nhà em là: chúng mày là lính ngụy, không được bán, vỉa hè là của nhà nước. Cái gì cũng của nhà nước, dân chỉ là đồ bỏ đi. Vậy mà trong sách vở đảng tôn lên làm «những ông chủ».
Tôi thầm nghĩ, trong khi « ông chủ » ăn không đủ, đi xe đạp cọc cạch còn những «đầy tớ nhân dân» thì lại bụng bự, đi xe hơi. Tôi lại miên man trở lại những suy nghĩ của đêm hôm qua: Nghịch lý vẫn là nghịch lý.
Đến thị trấn Đắc Tô, đây là một thị trấn nhỏ nhưng khá sầm uất. Có lẽ nơi đây gần vùng biên nên nó có được không khí nhộn nhịp của những tay phe lái, đầu nậu. Chính vì vậy tuy nhỏ, đường xá cũ kỹ nhưng so với một thị trấn nhỏ nơi Cao Nguyên heo hút gió thì thật không đến nỗi nào. Cho đến lúc này, tôi chợt nhận ra ở Đắc Tô và cả Kon Tum có cái đìu hiu và lặng lẽ chung mặc dù cả hai nơi là phố thị vùng cao. Cái đìu hiu chung đó chỉ có thể mượn lời bài hát Thành Phố Buồn để nói về tâm trạng tôi lúc này:
Mặc dù nhớ không chính xác về đoạn nhạc nhưng tôi biết nó viết về Đà Lạt, một thành phố của Cao Nguyên khác.
Đang chìm trong suy tư về «thành phố buồn» thì xe dừng lại. Trọng quay sang hỏi tôi:
- Đây là trung tâm Đắc Tô rồi, anh đã biết đường đi lên trên đó chưa? Có cần em gửi xe đi cùng anh không?
Tôi vội đáp:
- Anh có bản đồ và hỏi bằng miệng chắc cánh xe ôm biết thôi. Em còn công việc thì cứ về đi. Cảm ơn tấm lòng của em lắm.
- Không có gì đâu anh. Vậy anh cứ đi đi. Nhưng chiều anh còn về lại Kon Tum không?
- Có chứ em. Nhưng em có việc thì cứ đi, anh về sẽ kêu em trước một tiếng đồng hồ. OK không?
- OK anh!
Trọng nắm chặt tay tôi và chúc tôi có nhiều bức ảnh đẹp.
Tôi từ biệt Trọng và khoác ba lô trên vai. Chưa kịp ngoải đầu nhìn ra xung quanh thì đã có hàng chục tay xe ôm chạy lại vồn vã mời đi xe. Rút một điêu thuốc ngậm trên môi để xóa đi quãng thời gian ê ẩm lưng trên Taxi, tôi chọn một bác xe ôm đã già chừng trên 50 và hỏi:
- Ông bác biết đường lên núi Charlie chứ?
- Không, tên này lạ quá, tôi ở đây không biết.
Tôi bèn đưa bản đồ được anh em cư dân mạng chỉ dẫn cẩn thận và giải thích thêm đó là nơi xảy ra ác chiến giữa lính Dù quân lực VNCH và bộ đội cộng sản cách đây mấy chục năm. Bác xe ôm chợt «à» lên một tiếng và nói:
- Tưởng gì chứ nơi đó tôi biết vì có mấy lần chở khách nước ngoài về thăm nơi xưa. Mấy ổng ngày trước có đánh đấm trên đó. Tôi đi cũng 3 lần rồi. Lên xe đi, 50 nghìn là xong hết.
Quá mừng rỡ, tôi mời bác tài xe ôm một điếu 555 và đưa tiền trước cho bác. Quãng đường phía trước được bác thông báo là ngót nghét 10 km để lên tới đỉnh của Charlie.
Quãng đường đi không xa lắm, nhưng thật là một cực hình. Len lỏi trong cánh rừng nay chỉ còn là những bụi cỏ trống là con đường mòn nhỏ xíu chỉ đủ một xe máy chạy. Nếu gặp xe ngược chiều là phải dừng lại để né một bên cho xe khác qua. Nhưng cũng thật may mắn la cả đoạn đường chúng tôi đi cho đến đỉnh Charlie thì không gặp thêm một bóng người. Có lẽ người dân nơi đây đi đường khác, họ không có vội vã gì phải đi con đường tắt gồ ghề này cả. Giữa cái nắng hè oi ả của miền Tây Nguyên đất đỏ, tôi nhai vội ổ bánh mì mà Trọng mua giúp lúc vào đầu thị trấn Đắc Tô. Nhai xong thì cũng là lúc xe ngừng lại dưới chân một ngọn đồi không cao lắm. Tôi tu vội một nửa chai nước suối mua cùng bánh mì và bảo bác xe ôm chờ tôi khoảng một tiếng. Tiền nong tôi sẽ lo cho bác trong lúc đợi tôi.
Thế là một mình leo lên đỉnh đồi đầy nắng. Ngọn đồi không quá cao và dốc thoai thoải khiến cho tôi dễ dàng di chuyển lên trên. Ngọn đồi này năm xưa đã là nơi không biết bao người bỏ xác lại, vậy mà giờ đây nó nằm trơ trọi một mình bên cạnh cả một dãy Trường Sơn hùng vĩ. Vết tích của chiến tranh chỉ còn lại là những vết đạn phá, vết bom cày. Nhưng những vết tích chiến tranh đó cũng ngày một mất đi vì bàn tay loang lổ của thời gian luôn muốn vùi chôn đi tất cả vào quá khứ. Chẳng mấy chốc đỉnh Charlie đã nằm dưới chân của tôi. Đứng từ đây, tôi có thể phóng tầm mắt về phía Kon Tum, Đắc Tô và dãy Trường Sơn hùng tráng. Xa xa là con sông của Tây Nguyên đang uốn lượn như con rắn khổng lồ đang ôm trọn đất đi vào lòng mình.
Rút máy ảnh và làm vài «pô» là điều tôi làm lúc này. Cái cảm giác choáng ngợp trước không gian rộng lớn và hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên đã khiến cho cảm hứng bấm máy của tôi trở nên liên tục. Không khí giữa chiều mùa hè oi ả không thể khỏa lấp một điều: Tôi đã về giữa thiên nhiên, nó thoáng đãng và bao la khác lắm với cảm giác ngột ngạt của vũ trường phố núi đêm hôm qua. Tôi chợt thấy trong lòng mình có một làn sóng tươi trẻ ùa về «Anh, hỡi anh ở lại Charlie. Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí…». Và tôi đã nhớ đến các anh, những người đã «giã từ vũ khí» một cách oai hùng.
Ngắm nhìn ra xa, tôi không còn thấy màu hoa sim đỏ ối trong chiều Tây Nguyên như màu áo định mệnh mà người hùng Nguyễn Đình Bảo đã mặc trước khi anh nằm lại Charlie mãi mãi. Xung quanh tôi chỉ là một màu xanh của cỏ cây nơi xa tít. Nhưng tôi vẫn thấy một màu tím đâu đây vọng lại, màu tím phía trời xa…
Đang mải mê với trời tím, màu tím và hồi ức về một thời máu lửa nơi những chiến sỹ binh chủng nhảy dù quân lực VNCH đã phải đương đầu với nhiều đợt xung phong của quân cộng sản trước khi nhiều anh hùng mũ đỏ phải «giã từ vũ khí». Tôi chợt thấy có những cơn gió mát thổi qua làm thân thể nhễ nhại mồ hôi của tôi như được giải tỏa cơn nóng đến khô cả người. Trời có cơn giông, từng đám mây đen kéo về làm cho không khí Tây Nguyên đang bỏng rát bỗng trở nên dễ chịu hơn. Tôi càng có thêm hứng thú chụp thêm nhiều «pô» ảnh trong chiều Charlie lộng gió.
Tiếng sấm đì đùng của cơn giông bất chợt làm tôi liên tưởng đến tiếng súng, tiếng pháo của Charlie một thời máu lửa. Nó cũng tựa như tiếng sét «sát cộng» của anh hùng mũ đỏ Nguyễn Đình Bảo trong buổi chiều tím Tây Nguyên. Hoa rừng vẫn còn đó, nó vẫn đỏ ối như hôm nào anh đã gục xuống trong lòng đất mẹ. Chỉ có điều, trong cơn giông tố, gió như làm những bông hoa rừng xa xa đong đưa, đong đưa như đưa con người chìm sâu vào dĩ vãng.
Đâu đó, những hạt mưa đã bắt đầu rơi nhanh. Xung quanh tôi, trời bắt đầu khóc. Tôi cố tình đứng lại chờ cho mưa tới mặc cho quần áo sẽ phải một phen ướt át. Tôi muốn cơn mưa sẽ tắm gội cho tôi sau những tháng ngày xuôi ngược trong dòng đời tấp nập. Tôi cũng muốn cơn mưa Tây Nguyên sẽ giúp tôi lấy lại được thăng bằng ở nơi đất nước mà nhân dân vẫn hàng ngày chìm trong đau khổ. Những hạt mưa tạt vào má tôi, vào mắt tôi thật rát. Nhưng tôi hạnh phúc vì được đứng trong mưa trên đỉnh Charlie. Nó tựa như giọt nước mắt của người góa phụ trong chiều Sài Gòn nghe tin anh vĩnh viễn nằm lại Charlie. Nước mưa đã hòa cùng nước mắt tôi lúc nào thật không hay…
Khi ngồi viết lại những dòng này, hình ảnh đỉnh đồi Charlie và bài hát của Trần Thiện Thanh vẫn hiện ra trong tôi cùng với dáng đi kiêu hùng của những quân nhân mũ đỏ. Nơi đó không chỉ có mình anh cả Nguyễn Đình Bảo «ở lại Charlie» mà còn có rất, rất nhiều người lính VNCH đã nằm lại.
Họ đã để lại sau lưng là những góa phụ trên tay còn bồng những đứa nhỏ với vành khăn xô trên trán. Trời Tây Nguyên dù nắng hay mưa, dù mưa hay nắng thì buổi chiều Charlie vẫn tím một màu hoa sim, một màu buồn tan tác…
Anh ơi ngả nón che mưa
Làm sao che cả cuộc cờ vỡ tan
Anh đi giặc súng hai hàng
Cỏ cây nhuộm một màu tang thảm sầu
Tóc xanh em hóa bạc đầu
Rừng đau lá súa một màu quan san
(Trích «Lục bát chinh phụ ngâm Việt Nam Cộng Hòa» của nhà thơ Lê Khắc Anh Hào)